Một mã xác thực đã được gửi đến số điện thoại
Ngứa da khi mang thai cũng được biết đến là một trong những tình trạng mẹ bầu thường gặp trong thai kỳ. Vậy tình trạng này có gây ra ảnh hưởng gì lớn đến sức khoẻ của mẹ bầu hay không? Bài viết dưới đây, Góc Làm Mẹ sẽ giải thích chi tiết vì sao lại xảy ra tình trạng ngứa da này.
Nguyên nhân ngứa da khi mang bầu (Ảnh: Internet)
Ngứa da thường xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ. Hầu hết mọi trường hợp mẹ bầu bị ngứa da đều sẽ tự khỏi sau khi sinh con xong và không gây ra nguy hiểm gì đối với cả mẹ và thai nhi. Tình trạng ngứa da này thường xảy ra do một số nguyên nhân như:
Thai nhi phát triển: Thai nhi phát triển ngày càng lớn hơn kéo theo đó tử cung của mẹ bầu cũng phải lớn lên để thích ứng với thai nhi. Điều này dẫn đến tình trạng rạn da gây ngứa cho mẹ bầu.
Tăng lượng hormone estrogen trong cơ thể: Lượng estrogen tăng cao sẽ làm cho các mạch máu của mẹ bầu bị giãn nở gây ngứa. Tình trạng ngứa da khi mang thai do thay đổi lượng hormone này không gây nguy hiểm nên các mẹ không cần phải quá lo lắng.
Tăng cân quá nhanh: Trọng lượng cơ thể bà bầu tăng nhanh, nhất là ở vùng bụng, mông, ngực làm cho da bị kéo căng để thích ứng với kích thước của thai nhi. Vì vậy gây nên tình trạng rạn da và gây ngứa.
Thai phụ bị ứ mật trong gan: Tình trạng ứ mật khiến dịch mật không lưu thông được làm cho lượng muối tích tụ lại ở bên dưới da khiến mẹ bầu hay cảm thấy ngứa ngáy. Một số mẹ bầu còn có những biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn hay thậm chí là vàng da khi gặp phải tình trạng này.
Viêm nang lông: Tình trạng ngứa da khi viêm nang lông sẽ thường xuất hiện ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba. Mẹ có thể dễ dàng nhận biết khi quan sát thấy nang lông bị nổi đỏ, ngứa ở vị trí viêm.
Viêm da bọng nước: Cơ thể mẹ bầu sẽ nổi những mảng mề đay, mụn nước quanh vùng rốn, đùi, lưng, bàn tay, bàn chân,... gây ngứa.
Ngứa vùng kín: Đây là vị trí dễ bị vi khuẩn, vi rút tấn công vì trong quá trình mang thai cơ thể mẹ bầu tiết ra dịch âm đạo nhiều hơn. Nguy cơ viêm nhiễm âm đạo gây ngứa cũng dễ tăng cao.
Tác nhân từ môi trường bên ngoài: Thời tiết nắng nóng, cơ thể mẹ bầu tiết ra nhiều mồ hôi hơn cũng dễ gây nên tình trạng ngứa da khi mang thai.
Thông thường, nếu như mẹ bầu gặp phải tình trạng ngứa da khi mang thai sẽ không gây nguy hiểm cho bản thân cũng như thai nhi. Tuy nhiên, khi bị ngứa toàn thân các mẹ nên đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để chẩn đoán vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng.
Ảnh: Internet
Tuy rằng việc bị ngứa da khi mang thai không gây nguy hiểm nhưng vẫn khiến mẹ bầu luôn trong trạng thái ngứa ngáy, khó chịu. Để làm giảm tình trạng ngứa khó chịu như trên, các mẹ nhà mình nên:
Không nên gãi, cào vùng da bị ngứa quá nhiều vì dễ gây tổn thương cho da. Da bị kích thích càng dễ bị ngứa hơn hay làm cho tình trạng ngứa trở nên trầm trọng.
Làm dịu cơn ngứa bằng túi chườm ấm hoặc khăn ấm, vừa mang lại hiệu quả cao vừa không làm da bị tổn thương.
Bôi các loại kem dưỡng ẩm cho da hay các loại tinh dầu dành riêng cho thai phụ để hạn chế bớt tình trạng rạn da, khô da gây ngứa khó chịu.
Ngoài ra, mẹ bầu nên chú ý vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ đồng thời mặc các loại quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt để hạn chế tình trạng ngứa ngáy này.
Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên, mẹ bầu sẽ hiểu rõ hơn về nguyên nhân vì sao hay gặp phải tình trạng ngứa da khi mang thai. Chúc các mẹ có một thai kỳ thật vui và khỏe mạnh.
Xem thêm: