Một mã xác thực đã được gửi đến số điện thoại
So với thời gian đầu, đối với nhiều mẹ, chăm sóc trẻ 3-6 tháng tuổi đã không còn là việc quá lo lắng. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần học hỏi và tìm hiểu nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm để hành trình chăm sóc em bé trở nên thuận lợi hơn. 3 lời khuyên từ Góc làm mẹ sau đây sẽ phần nào giúp mẹ vững tin hơn trong hành trình này.
Trong 6 tháng đầu sau sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho bé. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo, hãy cho bé bú mẹ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Việc cho bé bú sữa mẹ mang đến rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và con.
Ảnh minh họa (Internet)
- Trước tiên, việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp mẹ đỡ vất vả hơn so với việc bú sữa ngoài. Mẹ sẽ không phải đắn đo khi lựa chọn loại sữa phù hợp cho hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ. Mẹ cũng không phải loay hoay với việc pha sữa, rửa bình, tiệt trùng bình một ngày vài lần. Việc bú sữa mẹ cũng giúp mẹ tiết kiệm chi phí rất nhiều so với việc sử dụng sữa công thức.
Đặc biệt, vào ban đêm, việc cho bé bú sữa mẹ trực tiếp sẽ đảm bảo giấc ngủ tốt hơn cho cả mẹ và bé.
- Cho trẻ bú sữa mẹ là cách giúp mẹ giảm cân hiệu quả sau sinh và giúp tử cung hồi phục nhanh hơn. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, việc cho bé bú sữa mẹ sẽ góp phần giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng.
- Nguồn sữa mẹ tự nhiên giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ cũng làm giảm nguy cơ dị ứng, các vấn đề về tiêu hóa cho trẻ.
- Sữa mẹ, đặc biệt là sữa non giúp cung cấp cho cơ thể bé lượng kháng thể tự nhiên. Nhờ vậy, trẻ sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa,... Trẻ được bú sữa mẹ thường ít nhiễm bệnh hơn so với các trẻ sử dụng sữa công thức.
- Khi mẹ cho bé bú mẹ trực tiếp, nhiệt độ sữa luôn ổn định, hạn chế nguy cơ sữa bị nhiễm khuẩn gây các bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng,... cho trẻ.
- Chăm sóc trẻ 3-6 tháng tuổi với việc cho bé bú sữa mẹ cũng là cách giúp mẹ nuôi con hiệu quả hơn. Mẹ hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu ăn của bé mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng và dễ dàng. Trẻ nhờ thế sẽ ít cáu gắt, quấy khóc hơn.
Ăn, ngủ là hai nhu cầu cơ bản và quan trọng nhất của trẻ trong 6 tháng đầu đời. Chính vì vậy, bên cạnh việc cho trẻ ăn đủ, mẹ cần đảm bảo giấc ngủ cho bé.
Ở giai đoạn này, trẻ cần được ngủ từ 15 -16 tiếng mỗi ngày. Trong khoảng thời gian đó, trẻ sẽ có 3 giấc ngủ ngày: 2 giấc ngủ dài từ 2 - 2.5h và một giấc ngủ ngắn từ 30 - 45 phút. Trẻ 3-6 tháng tuổi có thể ngủ xuyên đêm từ 10 - 12 tiếng đồng hồ mà không cần dậy ăn.
Ngoài việc đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc, chất lượng giấc ngủ cũng là điều quan trọng mà ba mẹ cần lưu ý. Trong những năm tháng đầu đời, chất lượng giấc ngủ sẽ quyết định khá lớn đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ. Vì vậy, ba mẹ cần tạo môi trường ngủ an toàn, thoáng mát, ánh sáng, âm thanh phù hợp để trẻ có thể ngủ sâu giấc, ngon giấc hơn.
Ảnh minh họa (Internet)
3 đến 6 tháng tuổi cũng là giai đoạn khởi đầu cho quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Việc trò chuyện, giao tiếp với trẻ ở giai đoạn này có thể coi là tiền đề giúp trẻ biết nói sớm hơn, tốt hơn sau này.
Nếu quan sát, ba mẹ sẽ thấy ở độ tuổi này trẻ đã bắt đầu bộc lộ những cảm xúc, cử chỉ, những tiếng ọ ẹ và phản ứng lại với âm thanh. Ở thời điểm này, thời gian thức ban ngày của trẻ cũng tăng dần. Cụ thể thời gian thức tối đa của trẻ 3 tháng tuổi khoảng từ 1h20’ - 1h30’. Trẻ 4 tháng có thể thức tối đa từ 1h45’ - 2h. Trẻ 5 tháng từ 2h - 2h25 và trẻ 6 tháng từ 2h25 - 2h30. Ba mẹ có thể tranh thủ thời gian trẻ thức để trò chuyện, giao tiếp cùng con.
Ở độ tuổi này, có rất nhiều cách để ba mẹ giao tiếp với trẻ hiệu quả. Ví dụ như:
- Nói chuyện với trẻ. Thường xuyên nói chuyện là cách giúp trẻ học hỏi và mở rộng vốn từ vựng. Trẻ có thể đáp lại lời nói của ba mẹ bằng những tiếng bi bô, những cái đạp chân hoặc là tiếng cười.
- Đọc sách cho trẻ nghe. Rất nhiều mẹ thực hiện việc đọc sách ngay từ khi trẻ còn là một em bé sơ sinh. Việc này thực sự đã mang đến rất nhiều lợi ích. Trẻ không chỉ mở mang hơn về từ vựng, phát triển ngôn ngữ mà còn thúc đẩy khả năng quan sát, ghi nhớ. Mẹ có thể ôm bé vào lòng, cho bé nằm giường và đọc cho bé nghe những cuốn sách có hình ảnh to, tươi sáng, ít chữ.
- Hát cho trẻ nghe. Giọng hát của ba mẹ luôn là điều mà các em bé rất thích thú. Vì vậy sẽ là thiếu sót nếu mẹ bỏ qua hoạt động này với trẻ.
- Đáp lại bé bằng chính những âm thanh của bé. Chuyện trò với bé bằng chính những tiếng bi bô giống như của trẻ cũng là cách để khuyến khích trẻ giao tiếp, tương tác nhiều hơn.
Có những vấn đề, hoạt động tưởng chừng nhỏ nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Trong hành trình chăm sóc trẻ 3-6 tháng tuổi cũng vậy, sẽ có rất nhiều điều mẹ cần tìm hiểu, học hỏi. Một vài kinh nghiệm, lời khuyên trên đây là một ví dụ để ba mẹ đồng hành cùng bé một cách hiệu quả nhất trong những năm tháng đầu đời.
Xem thêm:
> 6 lưu ý giúp mẹ chăm sóc trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi dễ dàng