Một mã xác thực đã được gửi đến số điện thoại
Bé 21 tháng tuổi đã bước vào giai đoạn phát triển quan trọng, cả về thể chất lẫn tinh thần. Ở giai đoạn này, bé có những thay đổi đáng kể về cân nặng, chiều cao, các kỹ năng vận động và khả năng ngôn ngữ. Cùng tìm hiểu chi tiết sự phát triển của bé 21 tháng tuổi ngay trong bài viết của Góc Làm Mẹ dưới đây nhé:
Bé 21 tháng tuổi có cân nặng trung bình khoảng 10,9 kg đối với bé gái và 11,5 kg đối với bé trai. Về chiều cao, bé gái có chiều cao trung bình khoảng 83,7 cm và bé trai là 82,2 cm. Tuy nhiên, mức cân nặng và chiều cao của mỗi bé có thể khác nhau tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng và thể chất của bé.
Bé 21 tháng tuổi có sự phát triển rõ rệt về chiều cao và cân nặng (Nguồn: Internet)
Ở độ tuổi 21 tháng, trẻ đã có những bước tiến vượt bậc về khả năng vận động. Trẻ có thể đi vững, leo trèo, chạy nhảy, thậm chí là đạp xe ba bánh. Một số cột mốc về khả năng vận động trong giai đoạn này là:
Các hoạt động của trẻ trở nên độc lập: Bé 21 tháng tuổi thực hiện các hoạt động một cách độc lập hơn. Trẻ có thể tự di chuyển đến những nơi mình muốn, tự thực hiện các nhu cầu cá nhân như lên xuống cầu thang, thay quần áo, dùng muỗng xúc ăn…
Con hiếu động và thích giúp đỡ hơn: Ở độ tuổi này, bé sẽ có nguồn năng lượng dồi dào và luôn muốn khám phá thế giới xung quanh. Con cũng bắt đầu tỏ ra thích thú với những công việc nhỏ nhặt để giúp đỡ cha mẹ như dọn dẹp đồ chơi, quét nhà bằng chiếc chổi nhỏ…
Những hoạt động của bé 21 tháng tuổi dần ít phụ thuộc vào cha mẹ hơn (Nguồn: Internet)
Ở giai đoạn này, trẻ đã có những bước phát triển vượt bậc về cảm xúc của mình, cụ thể như sau.
Biết thể hiện cảm xúc rõ ràng hơn: Con bắt đầu biết bày tỏ cảm xúc của mình một cách rõ ràng hơn như vui mừng, buồn bã, giận dữ, sợ hãi.... Đồng thời, bé cũng bắt đầu hiểu được cảm xúc của người khác và biết thể hiện sự đồng cảm.
Giận dữ bất thường: Ở giai đoạn này, kỹ năng ngôn ngữ của trẻ vẫn còn chưa phát triển hoàn thiện, con chưa thể bày tỏ được những gì bản thân muốn một cách rõ ràng. Điều này đôi khi khiến bé 21 tháng tuổi cảm thấy bực bội, khó chịu nên gây ra sự cáu gắt, giận dữ.
Thể hiện dấu hiệu nghe lời hoặc không: Trẻ đã bắt đầu có những dấu hiệu cho biết bé biết nghe lời hoặc không. Cha mẹ cần chú ý quan sát và có những biện pháp giáo dục phù hợp.
Bé 21 tháng tuổi có thể nói được khoảng 50-100 từ bao gồm cả các từ có hai âm tiết. Khả năng bắt chước lời nói của người lớn của bé đã tốt hơn, con có thể gọi tên người thân hay đồ vật và tuyệt vời hơn là biết đặt tên cho những món đồ vật trong nhà.
Thực đơn cho trẻ 21 tháng tuổi nên bao gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ, với đầy đủ các nhóm thực phẩm sau đây:
Rau củ quả và trái cây: Nên cho bé ăn nhiều loại rau củ quả và trái cây có nhiều màu sắc khác nhau để bổ sung đủ vitamin và khoáng chất.
Ngũ cốc: Ngũ cốc là nguồn cung cấp tinh bột, chất xơ và một số vitamin, khoáng chất có lợi cho sự phát triển thể chất của bé. Có thể cho bé dùng sữa ngũ cốc hoặc các loại bánh làm từ các loại hạt ngũ cốc trong các bữa phụ.
Chất đạm: Chất đạm cần thiết cho sự phát triển của cơ bắp, xương và các cơ quan nội tạng của con. Sử dụng các nguồn cung cấp chất đạm tốt như thịt, cá, trứng… để làm thức ăn mỗi ngày cho bé nhé.
Bổ sung canxi: Trẻ 21 tháng tuổi cần được bổ sung khoảng 700mg canxi mỗi ngày vào cơ thể để nuôi dưỡng và phát triển hệ xương và răng chắc khỏe.
Bé 21 tháng tuổi cần ngủ khoảng 11-12 giờ mỗi đêm. Đây là thời gian quan trọng để trẻ nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng cho ngày mới. Ngoài ra, bé cũng cần ngủ giấc ngủ ngắn vào buổi trưa, kéo dài khoảng 1,5-3 giờ. Tổng cộng thời gian ngủ trong ngày của bé dao động trong khoảng 13-14 giờ.
Thời gian ngủ của bé 21 tháng tuổi là khoảng 13-14 giờ (Nguồn: Internet)
Trên đây là tổng hợp những thay đổi khi bé bước sang giai đoạn 21 tháng tuổi cùng những lưu ý trong sinh hoạt và chế độ ăn uống của bé. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ba mẹ có những chuẩn bị tốt nhất cho sự phát triển của bé 21 tháng tuổi sắp tới. Đừng quên ghé thăm trang Góc Làm Mẹ để cập nhật những kiến thức hay và bổ ích về cách nuôi dạy con cái nhé.
Lưu ý: Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bạn mong muốn được tư vấn, bạn vui lòng hẹn gặp bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm:
> Sự phát triển của bé 20 tháng tuổi về thể chất và chế độ dinh dưỡng