Một mã xác thực đã được gửi đến số điện thoại
Có rất nhiều ba mẹ thắc mắc về việc trẻ 2 tuổi chưa biết nói có đáng lo ngại không? Sự thật, đây là vấn đề cần được ba mẹ quan tâm và tìm hiểu kỹ càng. Bởi lẽ, nếu tình trạng chậm nói kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và trí tuệ của trẻ sau này. Trong bài viết sau đây, Góc Làm Mẹ sẽ giúp ba mẹ tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Theo sự phát triển bình thường ở trẻ, khi được hơn 1 tuổi một chút, trẻ đã bắt đầu bi bô tập nói. Các bé đã có thể nói được các từ đơn quen thuộc như bà, ba, mẹ,... Khi được 2 tuổi, trẻ đã có thể nói được nhiều từ đơn hơn và các câu ngắn đơn giản khoảng 3,4 từ. Ở độ tuổi này, trẻ cũng biết đặt nhiều câu hỏi, có thể hiểu được những yêu cầu của người lớn và đưa ra được các câu lệnh đơn giản.
Nhưng thực tế có thể thấy, hiện nay có rất nhiều bé đã được 2 tuổi hoặc hơn nhưng khả năng nói vẫn rất hạn chế. Vậy trẻ 2 tuổi chưa biết nói có đáng lo không? Nếu ba mẹ nhận thấy bé có các dấu hiệu dưới đây thì nên chú ý và có biện pháp can thiệp kịp thời. Bởi nếu tình trạng chậm nói ở trẻ kéo dài sẽ gây nên những ảnh hưởng xấu cho sự phát triển ngôn ngữ, trí tuệ ở trẻ sau này.
- Trẻ 2 tuổi nhưng không nói rõ từ đơn và không có khả năng ghép 2 hay 3 từ lại thành câu.
- Vốn từ của trẻ rất hạn chế, chỉ trong khoảng 15 - 20 từ.
- Trẻ không tương tác với lời nói của ba mẹ hay người xung quanh, không quay đầu khi được gọi tên.
- Không thể dùng lời nói để diễn đạt lại các nhu cầu của bản thân. Thay vào đó, để diễn tả ý muốn, trẻ thường dùng tay chỉ trỏ và tức giận, cáu gắt khi người khác không hiểu được ý.
- Trẻ 2 tuổi rất ít khi chủ động giao tiếp, trừ các trường hợp thực sự cần thiết.
- Bé không gọi tên được các bộ phận trên cơ thể mặc dù đã được dạy và hỏi lại nhiều lần.
Trẻ 2 tuổi chậm nói cần được quan tâm và can thiệp kịp thời
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng chậm biết nói ở trẻ 2 tuổi. Dưới đây là một vài nguyên nhân phổ biến.
Nguyên nhân này khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Cuộc sống, công việc bận rộn khiến ba mẹ ít có thời gian quan tâm tới trẻ. Quá trình tương tác, trò chuyện giữa ba mẹ và con cái bị hạn chế. Điều này ảnh hưởng khá lớn tới việc phát triển vốn từ và khả năng giao tiếp của trẻ.
Trong rất nhiều gia đình, việc xem tivi điện thoại được coi như một phương pháp để dụ dỗ trẻ không quấy phá hoặc để trẻ ăn cơm. Việc này gây nên rất nhiều tác hại cho sự phát triển của trẻ. Xem tivi, điện thoại là quá trình giao tiếp một chiều, không hề có sự tương tác. Trẻ xem nhiều sẽ lười nói chuyện, chậm nói. Xem tivi, điện thoại nhiều cũng là nguyên nhân của nhiều loại bệnh ở trẻ như tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, đau mắt…
Với tâm lý cho rằng trẻ còn quá nhỏ nên nhiều gia đình hạn chế cho trẻ ra ngoài, chỉ luôn giữ trẻ ở trong nhà. Từ đó trẻ bị hạn chế và cản trở các kỹ năng giao tiếp, khả năng nói chuyện hay phát triển ngôn ngữ. Thực tế cho thấy, vào thời điểm đại dịch covid xuất hiện, tỷ lệ trẻ chậm nói tăng cao hơn so với trước. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc trẻ phải ở trong nhà quá nhiều, thiếu sự giao tiếp, tương tác xã hội.
Ngoài những nguyên nhân trên, việc trẻ 2 tuổi chậm nói còn do một số bệnh lý về thính giác, về miệng hay não bộ. Với các nguyên nhân này, ba mẹ cần cho bé thăm khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và chữa trị phù hợp.
Xem ti vi nhiều có thể khiến trẻ chậm biết nói
Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến trẻ chậm nói để xác định phương pháp cải thiện khả năng nói ở trẻ 2 tuổi.
- Nếu trẻ chậm nói do thiếu quan tâm, thiếu tương tác, ba mẹ cần nói chuyện, giao tiếp với bé nhiều hơn. Có nhiều cách để cải thiện vốn từ và khả năng nói cho trẻ như đọc sách cho bé nghe, thường xuyên trò chuyện với bé. Thực hiện các hoạt động khuyến khích trẻ tương tác nhiều hơn hay cho bé giao tiếp với bạn bè, người xung quanh cũng là cách để trẻ nhanh biết nói hơn.
- Hạn chế tối đa việc xem tivi, điện thoại của trẻ. Nếu có xem, ba mẹ nên ngồi xem cùng bé đồng thời tương tác với trẻ về các chương trình đang xem. Đặc biệt, ba mẹ nên giới hạn thời gian xem của trẻ xuống mức thấp nhất có thể.
- Nếu nguyên nhân xuất phát từ các vấn đề tâm lý hay bệnh lý, ba mẹ nên cho bé tới các phòng khám, bệnh viện chuyên về trị liệu ngôn ngữ để được can thiệp kịp thời.
Nói chuyện nhiều hơn giúp trẻ nhanh biết nói
Có thể thấy, vấn đề trẻ 2 tuổi chưa biết nói khá quan trọng. Nếu không được can thiệp kịp thời,tình trạng này có thể ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ sau này. Từ những thông tin mà Góc Làm Mẹ đã chia sẻ trên đây, hy vọng ba mẹ có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này, từ đó có biện pháp phù hợp, giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ hiệu quả hơn.
Xem thêm:
> Các trò chơi cho trẻ 2 3 tuổi giúp khơi dậy khả năng sáng tạo
> Trẻ 2 tuổi cáu gắt nguyên nhân do đâu? Cách xử lý như thế nào?